"Cuộc vui có được là mấy chốc?" - Có lẽ không có cách nào để kéo dài cuộc sống vượt ra ngoài giới hạn tự nhiên, mà ngay cả khi chúng ta may mắn sống được thêm vài năm hoặc vài chục năm nữa thì sao? Cuối cùng rồi cũng kết thúc, mọi thứ rồi cũng sẽ trôi qua nhanh thôi, không đáng kể, đó là cái kết của nhân sinh.
Mình thì thường tìm đọc về những bản kỷ, thế gia, liệt truyện hoặc điển tích vì nó làm mình cảm thấy như đã từng sống trong thời đại đó, được chứng kiến các sự kiện, biến cố kì lạ của mỗi đời người, mỗi thời đại.
Đâu đó trong những câu truyện ấy là những con người có sức sống mãnh liệt, các tâm hồn hào hiệp, đôi khi còn là các tâm sự đau xót, chua chát của những thân phận khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử, chúng chứa đựng triết lý sống thậm chí là tâm linh của con người đương thời.
[CHÍ]. Câu chuyện về thừa tướng nước Tần
Lúc còn ít tuổi, Lý Tư làm quản lý văn thư ở một quận nhỏ, ông thường thấy con chuột trong nhà xí nơi mình làm việc ăn đồ bẩn thỉu, luôn luôn lo sợ gặp người và chó, đến khi Tư vào trong nhà kho, nhìn con chuột ở đấy lại thấy nó tha hồ ăn lúa no nê, ở dưới mái nhà lớn, không hề lo gặp phải người hay chó gì hết. Lý Tư bèn than:
"Người hiền tài hay kém cỏi chẳng qua cũng như con chuột kia, đều là nhờ ở hoàn cảnh đấy thôi" - Từ đó Lý Tư nuôi chí lớn, đi theo Tuân Tử để học đạo.
"Nếu đã ở địa vị hèn hạ, chịu cảnh khốn khổ lại còn chê cười thế tục, căm ghét danh lợi là tự phụ mình. Có những điều muốn làm nhưng không thèm làm thì đó không phải là chí nguyện của kẻ sĩ" - Lý Tư bèn sang phía tây du thuyết với vua Tần và sau này được lưu danh sử sách ở đó.
Lời bình: Gặp thời cơ không thể bỏ phí, cứ ngồi chờ đợi nay lần mai lữa thì sẽ bỏ mất thời cơ. Muốn làm nên công danh lớn thì hơn nhau ở chỗ biết lợi dụng tình thế rồi mạnh dạn mà làm thì ắt sẽ thành công.
Phương Hiếu Nhụ - người Chiết Giang đời nhà Minh, tương truyền rằng ông là người được Chu Nguyên Chương giao cho trách nhiệm phò tá Chu Doãn Văn lên ngôi quốc vương.
Sau khi Chu Nguyên Chương chết, cuộc tranh đoạt ngôi vị giữa Thành vương Chu Doãn Văn (cháu)
và Yên vương Chu Đệ (chú) diễn ra rất khốc liệt. Sau bốn năm binh biến, loạn quân
của Yên vương công phá được thủ đô Nam Kinh vào thành cướp ngôi, hầu hết các đại
thần lúc bấy giờ đều sợ chết mà ra đầu hàng, chỉ riêng lão thần Phương Hiếu Nhụ kiên quyết
không tuân phục.
- Chu Đệ triệu ông ta tới, ông ta đóng chặt cổng không ra.
- Chu Đệ lệnh cho người lôi ông ta ra khỏi tư dinh, ông ta
liền mặc tang phục, bước vào đại điện không thi lễ mà chỉ đứng khóc.
Biết Phương Hiếu Nhụ là thầy trong thiên hạ, có ảnh hưởng
rất lớn trong giới học sĩ, là người tuyệt đối không thể giết nên Chu
Đệ sai người giam ông ta vào ngục, cho thân tín vào khuyên nhủ.
Một tháng sau, Yên vương Chu Đệ cử hành lễ đăng quang, theo
thông lệ phải có người đạo cao đức trọng viết chiếu truyền ngôi (loại chiếu này vua không tự
viết được), thế là Yên vương lại một lần nữa triệu Phương Hiếu Nhụ lên điện nhờ thảo chiếu thư, nào ngờ lúc lên tới đại điện Hiếu Nhụ chẳng những không viết mà lại còn gào khóc thảm
thiết hơn.
- Chu Đệ thấy vậy nói rằng:"Ta cũng chỉ là theo lời Chu công, phù trợ Thành vương dẹp giặc mà thôi, nay Thành Vương không
may mà mất nên ta thay thế"
- Phương Hiếu Nhụ ngừng khóc, giận dữ quát lên rằng:
"Thế sao ngươi không lập con của Thành vương làm vua?"
- Chu Đệ không biết đối đáp ra sao, cố khuyên giải:
"Đó là việc trong nhà ta, tiên sinh hà tất phải hao tâm tốn
sức"
- Bấy giờ, người hầu đem giấy bút ra, Chu Đệ nói
rằng: "Việc thảo chiếu thư này nếu không phải là tiên sinh thì không ai
đủ tư cách viết chiếu này"
- Phương Hiếu Nhụ liền giật lấy giấy bút, viết lên
một hàng chữ “Yên tặc soán ngôi” rồi quăng bút xuống thềm điện
- Chu Đệ hết kiên nhẫn, chuyển từ khuyên nhủ sang dọa nạt:
"Nếu muốn chết thì ta có thể để ngươi chết ngay được nhưng chẳng lẽ ngươi không nghĩ tới
tình máu mủ ruột rà chín họ của mình sao?"
- Phương Hiếu Nhụ giương cổ lên mà thách thức: "Giết mười họ ta còn không sợ thì chín họ đã là gì, chết thì thôi chứ đừng
mong ta viết chiếu thư"
Đến nước này thì Chu Đệ nhịn hết nổi, ra lệnh cho binh sĩ
dùng dao cắt môi của Phương Hiếu Nhụ, vết dao rạch đến tận mang tai cho ông câm miệng rồi hạ lệnh tru di thập tộc.
Mà ngặt một nỗi cửu tộc là bao gồm 3 họ của cha, 3 họ của mẹ
và 3 họ của vợ, tru di cửu tộc tức là tất cả huyết mạch gần như đã tận diệt mất rồi thì
kiếm đâu ra 1 họ nữa bây giờ. Không còn cách nào khác, Chu Đệ quyết định gộp
luôn cả bạn bè môn đồ của Phương Hiếu Nhụ ra thành một họ mới cho đủ thập tộc, đúng
như ý nguyện của Phương Hiếu Nhụ. Cả thảy lên đến 873 người, tất cả già trẻ gái
trai lôi ra chém hết, người cuối cùng bị giết chính là Hiếu Nhụ, ông ta bị xử
lăng trì (lóc từng miếng thịt cho tới chết) ngay hôm đó - Đúng là một thiên cổ thảm án.
// Dưới ảnh hưởng của Nho giáo thì việc lưu danh sử sách quan trọng hơn nhiều so với tiền tài danh lợi, đặc biệt là sau thời nhà Đường, nho học phát triển cực thịnh, nhiều tay mưu sĩ liều mạng can gián, chửi bới vua khi vua sai (chửi vì đam mê chứ chả ham giàu sang phú quý gì), vua dù cảm thấy bất mãn nhưng chẳng dám làm gì vì mình sai, giết nó đi thì sợ bị chụp mũ hôn quân, làm bàn đạp cho thần tử lưu tiếng thơm về sau. Cái lệ lão thần mắng vua cũng thường diễn ra chứ không lạ, khổ nổi cương với ai chứ cương với Chu Đệ thì lại hơi nhầm người.. //
Lời Bình: Lòng trung là đáng quý nhưng hãy trung sao cho có ít, có dũng, có trí. Lòng trung mà không được cân nhắc để phù hợp với hoàn cảnh, thời cuộc thì sẽ trở thành sự ngớ ngẩn, người đời gọi là ngu trung.
>>> Di Tử Hà - người nước Vệ thời Xuân Thu, một sủng thần được vua nước Vệ hết mực yêu thích. Theo hình luật của nước Vệ, hễ ai tự tiện đi xe của nhà vua là bị tội chặt chân, còn ai xúc phạm nhà vua thì bị đem đi xử chém.
Một hôm mẹ của Di Tử Hà mắc bệnh nặng, có người nghe tin đang đêm đến báo với Di Tử Hà, Tử Hà trái lệnh tức tốc đi bằng xe ngựa của vua về thăm mẹ. Nhà vua nghe tin cho là người hiền đức liền nói: “Thực là người con có hiếu! Vì mẹ mà phạm tội chặt chân”
Được ít lâu, Di Tử Hà đi chơi với nhà vua trong vườn thượng uyển, Di Tử Hà ăn được quả đào ngon liền đưa cho nhà vua nếm thử. Nhà vua lấy làm hài lòng liền nói: “Ngươi thật yêu ta! Quên cái miệng của mình mà nhớ đến ta”
Thời gian trôi qua, Di Tử Hạ nhan sắc kém đi, lòng vua yêu bớt lại, một hôm phạm phải tội nhỏ, nhà vua liền nói: “Nhớ lúc trước có lần nó đã tự tiện đi xe ngựa của ta, rồi còn bắt ta ăn quả đào thừa của nó, đúng là đứa khi quân, đem nó đi giết đi”
Thật ra việc làm của Di Tử Hà trước sau không khác, nhưng sao lần trước thì được khen là hiền nhân, lần sau lại bị cho là phạm thượng?
>>> Tấn Hiếu Vũ Đế - hoàng đế nhà Tấn, ông được cho là vị quân chủ thấu hiểu đạo lý sinh tử như một bậc cao tăng đắc đạo, trong các đời vua nhà Tấn ông là người có nhiều đại công nhất, nhưng sau khi dẹp yên loạn quân ông lại dành quá nhiều thời gian cho tửu sắc, đến độ không còn gặp các đại thần để bàn việc nước nữa.
Tương truyền mỹ nhân làm ông say luyến hoan lạc đến vậy là Trương quý nhân, một phi tần mà ông hết mực thương yêu, ngày đêm kề cận ân ái.
Vào một đêm trung tuần tháng chín, trong bữa tiệc linh đình, Vũ Đế ngà ngà say nói đùa với sủng phi họ Trương của mình rằng: "Dựa trên tuổi của nàng thì nàng nên nhường lại vị trí của mình, trẫm cần một ai đó trẻ hơn". Nói đoạn, ông tiếp tục mải mê uống rượu.
Trương quý nhân đang hầu rượu vua, nghe thấy vậy bèn cho rằng Vũ Đế không còn say mê mình như trước nữa, nàng phẫn uất mà xin hận, trong lòng nhen nhóm dã tâm.
Ngay đêm đó, nhân lúc hoàng đế đã say, Trương quý nhân ban rượu cho các giáp sĩ phía ngoài trướng nghỉ ngơi rồi ra lệnh cho các cung nữ và hoạn quan rời đi, sau khi chỉ còn hai người với nhau thì nàng ra tay sát hại Vũ Đế.
Việc làm của nữ nhân này chứa đầy sự oán hận. Có phải từ ngàn xưa, tình yêu và hận thù luôn tồn tại cùng lúc trong trái tim của kẻ si tình?
Lời bình: Cũng đều trãi qua ái tình nhưng người thì bị người mình yêu giết, người thì lại giết người yêu mình, như thế cũng đủ thấy là lòng yêu ghét hết sức dễ thay đổi. Khi được người khác yêu thì cái tội của mình cũng làm cho mình lợi thân, khi bị người khác ghét thì cái khôn của mình càng làm cho mình bị ruồng bỏ.
Học cho rộng, hỏi cho kĩ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho rõ, làm cho hết sức