[Ghibli] - TỔNG HỢP CÁC PHIM CỦA ĐẠO DIỄN HAYAO MIYAZAKI

Sau bài Ebert phỏng vấn Miyazaki, tôi nhận ra rằng mình chưa có bài điểm phim nào đầy đủ về vị đạo diễn tài năng này. Thật phạm thượng quá đi mất! Mọi người gọi ông là Walt Disney của Nhật (nhưng ông chẳng thích cái danh hiệu đó), ông chỉ tham công tiếc việc và khoái cần mẫn làm phim thôi. Phim nào của Miyazaki cũng giàu ý nghĩa, xem đi xem lại cũng chưa thấm hết; bởi vậy lần điểm phim này, tôi xin mạn phép dịch một số lời giải thích của Miyazaki khi ông kể về phim của chính mình, một là để mọi người biết được đầy đủ các tác phẩm của ông, hai là để hiểu hơn về ý nghĩa/kỹ thuật đằng sau một bộ phim.

Đạo diễn Hayao Miyazaki

Đầu tiên là những tác phẩm cũ xì do ông làm từ cuối những năm 70s, đầu những năm 80s (nói cũ thế thôi chứ bạn mà xem thì thấy rằng ông vẽ vô cùng đẹp đấy).

1. Lupin The III: The Castle Of Cagliostro, 1979 (Lupin đệ tam: Lâu đài của Cagliostro)

Lúc này Miyazaki chưa nổi tiếng, chưa có hãng phim, nên ông đạo diễn phim Lupin với tư cách… làm thuê. Phim Lupin dựa trên cuốn truyện Manga và series hoạt họa truyền hình cùng tên, kể về tên siêu trộm Lupin hào hoa lãng tử. Miyazaki tạo ra một phim Lupin đáng nhớ nhất trong tất cả những phim hay series về Lupin; phần là vì phim Lupin của Miyazaki vẽ đẹp, cho thấy sự say mê lối kiến trúc Châu Âu của Miyazaki, và phim có cảnh đua xe vô cùng gay cấn, khiến những đạo diễn điện ảnh như Spielberg phải phát mê.

Một cảnh trong “Lupin đệ tam: lâu đài của Cagliostro

Miyazaki nói về phim này: “Thực tình thì vào thời ấy, tôi không biết nhiều về phong cảnh hay kiến trúc phương Tây. Nên khi vẽ cảnh bên trong lâu đài, tôi tự lập ra luật: cố gắng dùng lại những cảnh đã có. Nếu nhân vật bước vào căn phòng này một lần, nhân vật đó sẽ quay lại căn phòng thêm lần nữa. Giống như một video game vậy, đây là cách tôi tạo cảnh ‘Chỗ này có hai cái hồ, một lâu đài, chỗ kia có rãnh thoát nước kiểu La Mã…’ bây giờ tôi ước gì hồi ấy mình đã vẽ tốt hơn”.

Cảnh đua xe nổi tiếng của “Lupin đệ tam: lâu đài của Cagliostro”

2. Nausicaa of the valley of the Wind, 1984 (Nausicaa của thung lũng Gió)

Bộ phim đầu tay của Miyazaki và hãng Ghibli, dựa trên truyện tranh manga cùng tên của Miyazaki (ông vẽ Manga vì lúc đấy ông thất nghiệp, chưa tìm được phim gì để làm). Phim kể về cô công chúa Nausicaa yêu thiên nhiên của bộ tộc sống ở thung lũng gió, cô cố gắng gầy dựng lại môi trường vì lúc này trái đất đang bị khí độc làm ô nhiễm. Phim có đề tài môi trường như vậy là “tủ” của nhà đạo diễn Nhật. Nhưng phim không may mắn khi nhập sang Mỹ, các hãng phân phối tự ý dịch bậy bạ rồi cắt xén nội dung phim. Sau đó Miyazaki cùng hãng Ghibli không cho Mỹ nhập phim nữa, đến lúc gặp John Lasseter của hãng Pixar thì ông mới cho John phân phối phim của mình.

Một cảnh trong “Nausicaa”

Miyazaki nói về phim này: “Tôi viết truyện Manga khi tôi không có phim hoạt hình để làm, nên khi vẽ truyện, tôi cố vẽ ra một truyện mà không ai có thể làm thành phim được. Và sau đó tôi lại nhận tiền để chuyển truyện thành phim, thế là tôi gặp rắc rối to!

“Tại sao nhân vật chính là một cô gái ư? Chà, thật không thực tế nếu một cậu trai có cái khả năng của Nausicaa! Phụ nữ có thể nắm bắt được cả thế giới thật của con người lẫn thế giới khác, nói nôm na là thế giới bên kia – như một dạng trung gian vậy. Theo phiên bản cổ nhất của truyện Cô bé Lọ Lem, Lọ Lem có khả năng di chuyển tự do đến thế giới khác khi bước qua lò sưởi, đấy là khả năng đã tiếp cho cô sức mạnh (hơi giống vụ Harry Potter dùng bột floo để đi lại bằng lò sưởi nhỉ? Chắc JK Rowling lấy cảm hứng từ đây). Nausicaa không giỏi đấu kiếm, nhưng cô hiểu được thế giới của loài người và thế giới của côn trùng. Muông thú không cảm thấy bị đe dọa khi tiến đến gần Nausicaa. Đàn ông, họ rất hung hăng, lúc nào cũng chỉ biết đến thế giới người thôi – rất chi là nông cạn (cười). Nên nhân vật phải là nữ.”

Nausicaa và con côn trùng biến đổi gien (do ô nhiễm)

3. Laputa, 1986 (Laputa: Lâu đài trên trời)

Phim thứ ba của Miyazaki, câu chuyện diễn ra tại Anh Quốc vào khoảng thế kỷ 19 (Miyazaki rất mê Anh, một phần vì ông thích truyện thiếu nhi của các tác giả Anh Quốc), phim kể về cậu bé Pazu, cô bé Sheeta, và nhóm hải tặc trong cuộc tìm kiếm tòa lâu đài bay trên trời trong truyền thuyết. Hiện giờ thì ai cũng công nhận là phim này hay, nhưng lúc mới công chiếu thì phim không thu về lợi nhuận. Miyazaki cảm thấy rằng thất bại ở phòng vé gắn liền với việc ông chọn nhân vật chính là cậu bé Pazu sống ở một xóm mỏ, nên hầu hết các nhân vật chính của ông sau này là phụ nữ. (Chắc Miyazaki nghĩ quẩn thôi, chứ nhân vật nam của ông lúc nào cũng thú vị).

Sheeta và Pazu trong Laputa. Laputa lấy cảm hứng từ vương quốc trên mây Laputa trong truyện “Những cuộc phiêu lưu của Gui-li-vơ”. Của đáng tội, Miyazaki không biết rằng puta trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa “gái điếm”, nên khi phân phối ở nước ngoài, họ đổi tên phim thành “Castle in the Sky” và Miyazaki cũng đồng ý cho đổi.

Miyazaki nói: “Tôi muốn làm một phim phiêu lưu có cậu bé đóng vai chính, cậu luôn đấu tranh và có nhiều ước mơ. Và tôi xác nhận được rằng thiên hạ không vào rạp để xem những phim này. Sau một thời gian, mọi người bắt đầu nói ‘Tôi rất yêu phim Laputa’. Nhưng lúc công chiếu thì phim lại không tìm được nhiều khán giả. Xã hội chỉ công nhận những chàng trai có nghề nghiệp là đàn ông trưởng thành.

Pazu thổi kèn đánh thức mọi người dậy để tiếp tục một ngày làm việc ở các hầm mỏ.

Đối với phụ nữ, sự hiện diện của cô cũng đã đủ để biến cô thành một nhân vật, nhưng đàn ông thì phải có công việc, có địa vị, hoặc một số mệnh nào đó. Thế nên một cậu bé làm việc tay chân như Pazu không hút khách cho lắm. Ước gì tôi có thể làm thêm một phim có nhân vật chính là một cậu bé khoảng 8 -9 tuổi nữa. Các bé trai, đôi lúc chúng nhận một kết cục rất bi kịch trong thế giới này.”

Tòa lâu đài bay trong phim Laputa. Bạn nào rảnh và thích hoạt hình thì đi tìm đĩa hoặc tải trên mạng về xem, phim hay lắm đấy

Có bạn nào bắt đầu khoái phim của Miyazaki chưa? Những phim trong phần 1 hơi khó kiếm nhỉ! Vì chúng cũng cũ rồi, nhưng những phim trong phần 2 trở về sau rất dễ tìm trên mạng đấy, và càng về sau thì hãng Ghibli càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía công chúng. Mọi người cùng điểm qua nào.

4. My Neighbour Totoro, 1988 (Ông hàng xóm Totoro)

Dân điện ảnh cho rằng Totoro là siêu phẩm để đời của Miyazaki, kể về một gia đình ở Nhật vào những năm 50s. Bà mẹ của gia đình bị bệnh lao, nên bố và cô chị Satsuki lẫn cô em Mei dọn về quê sống để mẹ tiện chữa bệnh (mẹ của Miyazaki cũng từng bị lao và cả nhà ông cũng về quê giống hai chị em trong phim). Khi ở quê, hai chị em phát hiện ra thần rừng Totoro và những người bạn dễ thương của vị thần nhiều lông êm ái này. Phim vẽ rất chi tiết và tỉ mẩn, nếu bạn xem vào năm 2013 thì bạn vẫn không cảm thấy nó lỗi thời.

Cảnh bé Mei ngủ trên bụng Totoro bự

Miyazaki nói về phim: “Tôi không thể làm cái kiểu phim, bạn biết đấy, giết kẻ xấu, sau đó mọi người đều vui vẻ. Thật sự là tôi không làm được. Tôi nghĩ khi trẻ em lớn độ 3-4 tuổi, chúng nên xem Totoro. Đây là một phim rất ngây thơ. Tôi muốn làm một phim mà trong đó có một con ‘quái vật’ sống ngay cạnh nhà bạn, nhưng bạn không thấy nó. Giống như lúc bạn đi rừng, bạn cảm nhận được cái gì đấy lạ. Bạn không biết đó là gì, nhưng bạn cảm được một sự hiện hữu nhất định. Chuyện này thường xuyên xảy đến với tôi.” Miyazaki nói thêm rằng trẻ em nhạy cảm hơn người lớn, nên hai bé trong phim nhìn thấy Totoro, còn người lớn thì không.

Cảnh Mei phát hiện ra con Toro trắng

5. Kiki’s delivery service, 1989 (Dịch vụ giao hàng của bé Kiki)

Phim này dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Eiko Kadono. Phim kể về cô bé phù thủy Kiki; theo đúng truyền thống, những phù thủy 13 tuổi sẽ phải xa nhà đi tìm việc, nên Kiki tự xa bố mẹ để đi tìm cho mình một thành phố và tìm việc làm. Với tài cưỡi chổi, Kiki mở dịch vụ giao hàng tận nhà, rồi quen cậu bạn Tombo. Giống Totoro, phim này không có kẻ xấu và không có xung đột.

Một cảnh trong phim với bé Kiki (thắt nơ đỏ)

Miyazaki nói: “Những nghệ sĩ hoạt hình đang vất vả tìm việc đã truyền cảm hứng cho tôi làm phim này. Công việc không chỉ là để kiếm tiền – ai cũng phải làm việc kiếm tiền rồi. Phim này là về chuyện sống cuộc sống của chính mình: làm thế nào để bạn xác định được bản sắc riêng của mình trong thế giới này. Thời mà tôi làm Kiki thì đây là điều dân chúng rất quan tâm. Nếu tôi làm phim Kiki vào lúc này, không chừng phim sẽ khác đi. Kiki vẫn là phù thủy, nhưng Tombo (cậu bạn của Kiki) phải thi đậu, học đại học, kiếm việc làm, và tới gặp Kiki rồi nói ‘cho mình hẹn hò với bạn nhé’. Kiki, tôi chắc rằng bé vẫn giao hàng, gặp gỡ người này người nọ, tận hưởng cuộc sống, và có thể trở nên hơi hâm hâm một chút. Nhưng không ai muốn thấy Kiki mở công ty chuyển phát hàng và làm giám đốc. Có lẽ ở Trung Quốc, Kiki sẽ mở một công ty chuyển phát hàng thiệt bự… (cười) Nhưng ở Nhật thì không.”

Cảnh Kiki chuyển quà bằng chổi bay

6. Porco Rosso, 1992

Trái với Totoro và Kiki, những tác phẩm dành cho trẻ em, Porco Rosso lại là phim cho đàn ông trung niên (và cho chính Miyazaki, ông từng nói rằng mình hơi ích kỷ khi làm phim này). Anh Marco Pagott – nhân vật chính của phim – là một phi công ở Croatia vào những năm 20s, nhưng bị nguyền rủa nên biến thành heo. Miyazaki rất yêu máy bay nên lúc đầu ông làm Porco Rosso là cho mình (bố của Miyazaki từng là chủ của hãng máy bay Miyazaki Airplane); ông không nghĩ rằng khán giả sẽ thích nó, vì ông thực hiện bộ phim với tài trợ của hãng hàng không Nhật để họ chiếu cho hành khách trong những chuyến bay dài. Vừa ích kỷ, vừa làm phim để chiều nhà tài trợ, thế nhưng Porco Rosso lại quá tuyệt, đến nỗi Miyazaki tính nghỉ hưu mà không nghỉ được.

Một cảnh trong Proco Rosso, có anh phi công Marco bị hóa heo (Miyazaki rất thích vẽ heo mỗi khi ký tên)

Miyazaki nói về bộ phim: “Hãng hàng không Nhật muốn chúng tôi làm một phim để họ chiếu cho hành khách. Lúc đầu thì chúng tôi không muốn làm. Nên tôi nói rằng tôi muốn vẽ cảnh máy bay bắn nhau, và nghĩ rằng khi họ nghe vậy là họ sẽ từ chối, nhưng họ lại bảo ‘bắn nhau cũng được’ (cười). Thực tình, máy bay là sở thích của tôi, và lúc đầu thì tôi tính làm một phim nhẹ nhàng. Nhưng sau đó đất nước Yugoslavia sụp đổ, và căng thẳng nổ ra tại Dubrovnik, Croatia, và những hòn đảo trong phim Porco Rosso. Thế là bỗng dưng đất nước tôi chọn cho phim trở thành nơi chiến tranh ngoài đời thực, nên Porco Rosso trở thành một tác phẩm phức tạp hơn. Đây là một phim khó làm, và tôi rất thất vọng vì mình đã sáng tác cho đối tượng đàn ông trung niên, vì tôi cứ luôn miệng nhắc nhở nhân viên là phải làm phim cho trẻ em, thế rồi cuối cùng tôi đi làm điều ngược lại. Thật may mắn, khi phim chiếu rạp, rất nhiều trẻ em đã đến xem, chính các bé đã cho tôi cơ hội để làm phim tiếp.”

Porco Rosso có nhiều cảnh lượn máy bay rất là đẹp mắt

Và cả cảnh máy bay bắn nhau, xem hấp dẫn không kém gì Top Gun.

7. Princess Mononoke, 1997 (Công chúa Mononoke)

Hãng Ghibli đã đầu tư rất nhiều vào phim Công chúa Mononoke, phim này nặng về đề tài môi trường, vốn là đề tài Miyazaki rất thích. Phim kể lại sự xung đột giữa loài người với tự nhiên, khi các thần rừng chống lại sự phát triển của con người. Vào lúc Mononoke chiếu ở Nhật, nó trở thành phim ăn khách nhất trong lịch sử Nhật Bản, khiến Miyazaki… bối rối không hiểu vì sao.

Một cảnh trong “Công chúa Mononoke”

Miyazaki nói: “Đây là một vụ đánh cược lớn, lúc này tôi làm phim khác hoàn toàn so với thời tôi làm Kiki. Lúc làm Porco Rosso, chiến tranh (ở Yugoslavia) nổ ra, và tôi phát hiện rằng loài người không biết rút kinh nghiệm gì hết. Sau sự việc này, chúng tôi không thể làm những phim như Kiki. Tôi có cảm giác rằng trẻ em được sinh ra nhưng không được phù hộ. Làm sao ta có thể giả vờ với chúng rằng thế giới này rất hạnh phúc?

“Tôi đày đọa nhân viên của mình với phim này. Tôi cũng biết điều đó, nhưng tôi cảm thấy rằng chúng tôi phải thực hiện Mononoke. Lúc làm xong, tôi nghĩ ‘Mình làm cái quái gì thế?’ rồi tôi quyết định ‘Trẻ em không nên xem cái này’ nhưng cuối cùng tôi lại nhận ra ‘Không, trẻ em phải xem Công chúa Mononoke’. Người lớn không hiểu phim, nhưng trẻ em lại hiểu. Và thêm một lần nữa, trẻ em lại giúp tôi (kiếm đủ tiền) để làm phim tiếp theo.”

8. Spirited Away, 2001

16 năm sau khi thành lập hãng Ghibli, Miyazaki bắt đầu được khán giả phương Tây chú ý đến (và nhận một Oscar) nhờ Spirited Away. Phim kể về cô bé Chihiro, bố mẹ bé vô tình lạc vào khu vui chơi bị bỏ hoang, xơi nhằm đồ ăn của thần và bị biến thành heo. Thế là bé phải đi kiếm việc làm ở xứ sở tâm linh lắm ma quái đề tìm cách cứu bố mẹ.

Bé Chihiro trong “Spirited Away”.

Miyazaki nói: “Tôi biết nhiều bé gái từ khi chúng mới sinh. Chúng là con gái của bạn bè tôi. Sau đó, khi các bé lớn dần đến độ tuổi 10, 12, tôi tự nói nhủ ‘mình có thể giữ khoảng cách với các bé rồi, chúng sẽ biến thành thiếu nữ và mình chẳng còn là ông cậu Miyazaki nữa.’ Rồi tôi nghĩ đến việc sau này các bé sẽ sinh sống ra sao, nên tôi làm Spirited Away như một món quà cho những bé gái ấy.”

“Nhưng Spirited Away là một phim khó làm, tôi giải thích với nhà sản xuất Suzuki của mình, ‘Tớ nghĩ tớ có thể dựng câu chuyện như thế này, với kết thúc này.’ Nhưng Suzuki lại nói ‘À, cái đó sẽ tốn 3 tiếng. Tớ chẳng muốn sản xuất một phim dài 3 tiếng đâu’”.

“Tôi nghĩ lại ‘Ok, sẽ làm phim ngắn hơn’ rồi có nhân vật No Face (vô diện) ở đó – nhân vật này tình cờ xuất hiện trong nội dung phim. Thế là chúng tôi quyết định ‘Xài nhân vật No Face đi’”.

Nhân vật No Face trong một cảnh của phim.

“Nhưng phim còn nhà tắm công cộng, bà chủ già, và các vị thần… tôi thích những thế giới như thế. Chúng thật cuốn hút, chúng có chiều sâu và có nhiều loại người sinh sống. Đây không phải là một thế giới nhỏ, nó rộng lớn; tại đó, thật bình thường nếu một vùng biển đột nhiên xuất hiện chỉ vì hôm qua trời đổ mưa… Spirited Away là một quá trình lao động khổ cực, chăm sóc dài hơi; và tôi chẳng hiểu tại sao mình lại đi làm mấy cái chuyện này!” (Cười)

9. Howl’s moving Castle, 2004 (Lâu đài biết đi của Howl)

Sau khi mệt rã rời vì Mononoke và Spirited Away, Miyazaki định nghỉ hưu, nhưng cuối cùng ông quay lại với bàn vẽ và thực hiện tác phẩm Howl’s moving castle. Nhân vật chính của phim là cô Sophie, giống với Ashitaka của Mononoke, Sophie bị lời nguyền và phải lên đường tìm cách giải lời nguyền. Phim dựa theo câu truyện cùng tên của nữ văn sĩ Diana Wynne Jones. Phim vẽ rất chi tiết, nhưng theo nhiều lời bình luận là nếu bạn không đọc truyện thì phim sẽ hơi khó hiểu.

Tòa lâu đài của Howl trong phim

Miyazaki nói: “Diana Wynne Jones… Tôi bị bà ấy bỏ bùa. Truyện của bà rất thực tế với các nữ độc giả, nhưng bà chẳng thèm quan tâm tới cái luật lệ của thế giới mình tạo ra. Và những nhân vật nam của bà thì cứ y như chồng bà: kiểu buồn buồn, chỉ im lặng đứng nhìn (cười). Phép thuật trong truyện của bà cũng chẳng theo luật. Nhưng tôi cũng không muốn làm một phim giải thích luật, thế thì khác gì làm game điện tử. Do đó tôi làm một phim bất chấp logic của phép thuật và ai nấy cũng lạc lối!” (Cười).

Nhân vật Sophie trong phim

“Chẳng hiểu vì sao mà phim nhận hai luồng phản ứng đối lập hoàn toàn. Có người rất thích phim, có người chẳng hiểu gì hết. Đây là một trải nghiệm kinh khủng. Tôi quá mệt mỏi sau khi làm Mononoke, rồi tôi lại tiếp tục làm ra những tác phẩm khá rối rắm. Thế là tôi nghĩ ‘Mình không thể tiếp tục kiểu làm phim như vậy nữa’. Và đó là lý do tại sao tôi thực hiện Ponyo.”

10. Ponyo, 2010

Giống với truyện nàng tiên cá, Ponyo là con gái thần biển, trốn lên mặt đất chơi, và vì phải lòng cậu bé Sosuke nên Ponyo quyết định biến thành người. Phim có lối vẽ, màu sắc đơn giản như truyện tranh thiếu nhi, như vẫn chi tiết và đặc biệt là rất ấm cúng.

Miyazaki nói: “Từ lâu tôi đã muốn làm một bộ phim với mô-típ biển, nhưng hoạt họa để sóng nhìn cho ra sóng rất khó. Nên đến giờ tôi mới làm được. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi rời xa trẻ em quá, hãng phim nên quay lại với các bé năm tuổi. Nhưng tôi không thể làm một tác phẩm giống Totoro. Do đó cốt truyện của Ponyo phức tạp hơn chút. Nếu muốn làm một phim ngây thơ, bạn phài làm ngắn. Làm phim quá dài cho trẻ em nhỏ là không nên. Nhưng tôi muốn Ponyo sâu sắc hơn tí, bởi vậy phim này dài 101 phút.”

Cảnh bão biển trong “Ponyo”

“Cái tôi thích nhất trong Ponyo là phần credit ở cuối phim. Chúng tôi không liệt kê chức vụ hay công việc, mà chỉ có tên của tất cả những ai đã góp công làm ra bộ phim, xếp theo bảng chữ cái Nhật. Có 3 con mèo hoang sống tại studio Ghibli, chúng cũng có tên trong đấy luôn.”

Phần credit ở cuối phim “Ponyo”. Những hình biểu tượng đi kèm theo tên là do đích thân  Hayao Miyazaki vẽ.

ღღ lưu giữ kỷ niệm đẹp ღღ
#hộpnhạc #hopnhac #musicbox #hopnhacmusicbox #hopnhacgo #hopnhactrongsuot #hopnhacacrylic #hopnhacDIY #hopnhacdaycot #hopnhacquaytay #phale # thuytinh #quatangtinhyeu #quatangtinhnhan #tinhyeu #tinhnhan #quatang #kyniem #quakyniem #vatkyniem #DIY

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn